Không để “sập bẫy” các chiêu lừa và thủ đoạn chống phá

Thứ hai, ngày 21/07/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Lừa đảo khi hợp nhất - kịch bản mới, chiêu thức cũ

Công an liên tục cảnh báo về tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng việc sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính để thực hiện những chiêu trò lừa đảo tinh vi. Chúng đánh vào tâm lý bỡ ngỡ, lo sợ mất quyền lợi của người dân nhằm chiếm đoạt tài sản.

Phổ biến nhất là các thủ đoạn giả danh cảnh sát khu vực, cán bộ hộ tịch của xã/phường mới, gọi điện từ số di động hoặc tổng đài ảo, thông báo về thay đổi bộ máy hành chính và yêu cầu người dân cập nhật thông tin. Đối tượng thường gửi đường dẫn hoặc ứng dụng VNeID, dịch vụ công giả mạo có chứa mã độc để chiếm quyền điều khiển thiết bị, đánh cắp dữ liệu cá nhân và tiền trong tài khoản ngân hàng.

Công an các xã, phường trong tỉnh tăng cường cảnh báo người dân về các chiêu trò lừa đảo lợi dụng việc hợp nhất các đơn vị hành chính.

Ngoài ra, tình trạng giả danh cán bộ thuế cũng xuất hiện, dẫn dụ người dân cung cấp thông tin để “cập nhật dữ liệu” sau hợp nhất hành chính. Cục Thuế khẳng định không yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp hay hộ kinh doanh nộp căn cước công dân, giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký thuế để cập nhật thông tin.

Về hóa đơn điện tử, Cục Thuế phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ nâng cấp hệ thống, bảo đảm địa chỉ trên hóa đơn phù hợp mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, giúp người nộp thuế thuận tiện xuất hóa đơn, không gián đoạn sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, các đối tượng xấu còn giả danh nhân viên Điện lực để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngay khi phát hiện thủ đoạn này, ngành Điện lực đã khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hoặc truy cập đường link lạ qua điện thoại, tin nhắn. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ lừa đảo, cần liên hệ ngay Trung tâm Chăm sóc khách hàng của điện lực hoặc báo cho cơ quan Công an gần nhất.

Chị Đinh Phương Huy (xã Đầm Dơi) chia sẻ: “Tôi và gia đình từng vài lần nhận được cuộc gọi lừa đảo, nhưng nhờ cảnh giác từ trước nên không làm theo hướng dẫn của chúng. Tôi luôn nhắc người nhà rằng cơ quan Nhà nước chỉ làm việc trực tiếp với dân, không bao giờ yêu cầu cung cấp thông tin qua điện thoại hay Zalo. Chỉ cần nhớ điều này, các đối tượng xấu sẽ khó lừa được chúng ta.”

Vạch trần thủ đoạn xuyên tạc chính quyền địa phương 2 cấp

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính, không tổ chức cấp huyện là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và tạo nền tảng phát triển bền vững cho địa phương, đất nước. Chủ trương đúng đắn này đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của toàn Đảng, toàn dân.

Công an xã Vĩnh Lộc đưa các cảnh báo của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng (Bộ Công an) nhằm ngăn chặn các trường hợp người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, thời gian qua, trên nhiều trang mạng thù địch và của các phần tử cơ hội, phản động xuất hiện nhiều bài viết, luận điệu xuyên tạc, kích động dư luận. Chúng rêu rao rằng việc sáp nhập chỉ là “ý chí chủ quan” để “ghi điểm, tạo dấu ấn”, rằng “một thời gian rồi cũng tách ra vì lợi ích cá nhân”, hoặc cho rằng sáp nhập chỉ là hình thức, gây tốn kém ngân sách và tiền của Nhân dân.

Các luận điệu xuyên tạc còn cho rằng sáp nhập làm “dân khổ hơn, xa chính quyền hơn” vì phải đi xa để làm thủ tục hành chính. Một số phần tử cơ hội thổi phồng vài trường hợp cán bộ tự nguyện nghỉ sớm chưa kịp hưởng chế độ, chính sách theo Nghị định 178, rồi lấy đó kích động hoài nghi đối với chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Trái ngược, lại có kẻ bôi nhọ chính sách hỗ trợ tài chính cho người nghỉ trước tuổi là “đốt tiền của dân”.

Chúng cũng lợi dụng tâm lý hoài cổ, tình cảm gắn bó với tên làng, xã, địa phương cũ để gây nhiễu, làm người dân hiểu sai bản chất của việc hợp nhất đơn vị hành chính.

Nhiều trang mạng, kênh YouTube, blog núp bóng “trung tâm nghiên cứu”, “viện độc lập”, “chuyên gia phân tích chính sách”… thực chất chỉ cắt ghép, bóp méo thông tin. Chúng khoác áo học thuật để xuyên tạc mục tiêu cải cách, thổi phồng tiêu cực, kích động tâm lý chống đối, từng bước gây rối, kêu gọi tụ tập đông người, tiến tới bạo loạn lật đổ chính quyền Nhân dân.

Các nhóm tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lực lượng vũ trang tỉnh tăng cường đấu tranh, phản các các luận điệu xuyên tạc, chống phá trên mạng xã hội.

Tỉnh táo nhận diện, chủ động đấu tranh

Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng luôn chú trọng xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cho phù hợp, nhằm phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc vững chắc. Cần khẳng định rằng, việc tinh gọn bộ máy không phải là thay đổi chế độ chính trị, mà là sự đổi mới tư duy của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”. Đổi mới hệ thống chính trị thực chất là sắp xếp, tổ chức lại các bộ phận và đổi mới cơ chế vận hành, hướng tới bộ máy tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực và hiệu quả.

Do đó, để công tác tinh gọn bộ máy đạt hiệu quả tối ưu, chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu lực, việc định hướng thông tin và phản bác các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị là nhiệm vụ trọng tâm, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Các thế lực thù địch không ngừng công kích nền tảng tư tưởng của Đảng, xuyên tạc chủ trương tinh gọn bộ máy, nhằm chia rẽ nội bộ và phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng trong đấu tranh, xử lý vi phạm và tin giả, mỗi người dân cần luôn tỉnh táo, cảnh giác, không để bị kích động, chia rẽ; tuyệt đối không chia sẻ thông tin xấu độc, sai sự thật hoặc chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những nội dung từ các đối tượng lợi dụng danh nghĩa “phản biện” hay “dân chủ” để chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thanh Hải